Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình
Thứ sáu ngày 19/04/2024,

Dịch tả lợn châu phi: Người tiêu dùng không nên hoang mang

Thứ năm, 14/03/2019
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thời điểm này khi mà tỉnh Ninh Bình cũng như các tỉnh lân cận như Hà Nam, Thanh Hóa, Hòa Bình… đều đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lo lắng thái quá và “quay lưng” với thịt lợn. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khẳng định, vi rút bệnh tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh cho người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn và được chế biến hợp vệ sinh.

Đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Phích ở xã Trường Yên (Hoa Lư) luôn được chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: Minh Đường

 

10 giờ sáng, quầy thịt của chị Nguyễn Thị Lan (chợ Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp) vẫn còn khá nhiều hàng, thỉnh thoảng mới có một vài người khách ghé quầy. Chị Lan cho biết: “Từ khi xuất hiện thông tin có dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh lân cận và mới đây là ở Ninh Bình  cũng đã có dịch, do hiểu biết chưa đầy đủ nhiều người vô hình chung tẩy chay thịt lợn. 

Trước đó, mỗi ngày gia đình tôi bán được khoảng 1 tạ thịt nhưng bây giờ trầy trật cũng chỉ được 40-50 kg”. Về phía người tiêu dùng, qua tìm hiểu của chúng tôi đa phần họ đều biết vi rút dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. 

Tuy nhiên, do những hình ảnh, thông tin tiêu cực, sai lệch trên mạng xã hội như việc bán chạy lợn bệnh, lợn tiêu hủy rồi nhưng lại đào lên để bán… đã làm cho họ có tâm lý “ăn mất ngon”, nghi ngại, hoang mang. 

Vì vậy, họ đã tạm thời ngừng ăn thịt lợn và chọn thực phẩm khác thay thế. Trước những nghi ngờ này, một thương lái phân trần: “Khách hàng của chúng tôi gần như 100% là khách quen nên sao có thể lấy lợn ốm, lợn bệnh về bán được, sẽ mất khách ngay. 

Hơn nữa, bản thân là người trực tiếp giết mổ, tiếp xúc với con lợn, nếu có lây nhiễm thì chúng tôi bị trước nên lợn chúng tôi nhập về đều phải là lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng”.

Có thể nói, hiện người chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với những ngày hết sức khó khăn. Trước đó, cuối năm 2016 và đỉnh điểm là giữa năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, có lúc chưa bằng 1/2 giá thành đã khiến người chăn nuôi lợn lao đao. 

Đến giữa năm 2018, giá lợn có tăng trở lại, người nông dân chưa kịp vui mừng thì đến cuối năm dịch lở mồm long móng lại hoành hành dữ dội, hàng trăm trại lợn chỉ sau 1 tuần đã trắng chuồng. Và đến thời điểm hiện tại là dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện với mức độ lây lan nhanh, tỉ lệ lợn chết cao. 

Ông Đinh Văn Đắp, một hộ chăn nuôi lợn ở thôn Văn Lâm, (xã Ninh Hải) huyện Hoa Lư cho hay: Mấy năm nay, người chăn nuôi lợn chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn. Hết “bão” giá rồi đến “bão” bệnh. Đợt vừa rồi gia đình mới kịp bán được 2 lứa lợn với giá cao, lãi chưa bù được đợt lỗ năm 2017 thì hiện nay, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi, lợn lại có xu hướng xuống giá và khó bán. 

Hiện tại trong chuồng của gia đình đang có 30 con lợn, mỗi con trên dưới một tạ, nhưng thương lái chỉ trả có 35-38 nghìn đồng/1kg. Mức giá này thì gia đình không có lãi nên vẫn cố giữ lại để nuôi, mặc dù lợn đã quá lứa.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Hiện tại, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là 350 nghìn con. Để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch đã được ngành Nông nghiệp tham mưu thực hiện nghiêm túc.

Trong đó, có việc thành lập các đội kiểm tra lưu động, tăng cường kiểm tra, giám sát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh. Việc giám sát dịch bệnh cũng được thực hiện chặt chẽ đến tận thôn xóm, ngay khi có gia súc ốm chết sẽ có lực lượng kịp thời đến khoanh vùng xử lý ngay. 

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, người tiêu dùng cũng cần phải được tăng cường. Do dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây bệnh cho người, nên người dân không nên quá lo lắng mà tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch, được chế biến hợp vệ sinh, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến người chăn nuôi. 

Cơ quan chuyên môn cần khuyến cáo: Người tiêu dùng chỉ cần thực hiện việc ăn chín, uống sôi và mua thịt ở những cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không ăn tiết canh hoặc thịt tái, sống.

Hà Phương

 

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Bài viết khác
Tin mới nhất
Liên kết Website
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Thống kê truy cập
278181

Trực tuyến : 9

Hôm nay : 289