Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình
Thứ sáu ngày 19/04/2024,

Chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

Thứ sáu, 16/06/2017
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 Thời gian qua, Ban quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp các cơ quan liên quan chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh

Phân loại, xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác Tam Điệp. Ảnh: Đức Lam

Toàn tỉnh hiện có 7 khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch với tổng diện tích hàng trăm ha. Việc phát triển thế nào để đảm bảo trong sạch về môi trường, hiệu quả về kinh tế, ổn định về an ninh đang được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm. 

Theo ông Hoàng Đức Long, Giám đốc Ban quản lý các KCN tỉnh: Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 KCN được quy hoạch. Từ năm 2004 đến nay, Ninh Bình đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ngân sách địa phương để xây dựng 3 KCN là Khánh Phú, Gián Khẩu và Tam Điệp I để phục vụ các dự án đầu tư. Đến nay, các KCN đã được xây dựng, từng bước hoàn chỉnh diện mạo, có quy mô lớn. 

Bằng giải pháp phân kỳ, lựa chọn, tập trung thi công các hạng mục chính; vừa xây dựng, vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư, đồng thời vận dụng kinh nghiệm xây dựng KCN của các tỉnh, thành phố, sử dụng hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp địa phương, Ninh Bình đã từng bước xây dựng được cơ sở hạ tầng cơ bản của các KCN, sớm phát huy hiệu quả. 

Nhìn chung, các KCN tỉnh Ninh Bình và các doanh nghiệp trong KCN đang ngày một ổn định và phát triển, tạo ra giá trị sản xuất lớn, tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo thống kê của Ban quản lý các KCN tỉnh, hiện nay tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90% và thu hút được 101 dự án của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư thực hiện đạt trên 38.000 tỷ đồng, tập trung tại các KCN: Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I, Phúc Sơn. 

Các dự án đầu tư đa phần có quy mô lớn, tổng mức đầu tư bình quân một dự án là 595 tỷ đồng, trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Hàng năm, các doanh nghiệp trong KCN tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp từ 12.000 đến 14.000 tỷ đồng, nộp ngân sách từ 700 đến 900 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 30.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, với phương châm “Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường” tỉnh đã ban hành nhiều quy định và chính sách với những biện pháp tích cực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động sản xuất công nghiệp tới môi trường tự nhiên. Trong đó, việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải ở các KCN là nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu, theo đó, nước thải, khí thải và chất thải rắn ở các khu, cụm công nghiệp sẽ được thu gom xử lý đúng quy trình.

Cũng theo ông Hoàng Đức Long, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 KCN đang hoạt động và 100% số KCN đã có thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường như: đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc báo cáo đánh giá. Trong đó 93/101 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã hoàn thiện thủ tục môi trường và 8 dự án đang triển khai hoàn thiện các thủ tục về môi trường.

Về quản lý nguồn nước thải, đến nay đã có 4/5 KCN đang hoạt động đã xây dựng hệ thống nước thải đạt tiêu chuẩn. Trong đó tại KCN Khánh Phú, Doanh nghiệp Thành Nam đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, công suất giai đoạn 1 là 12.000 m3/ngày đêm, đủ khả năng xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong KCN từ cột B về cột A và thải ra môi trường. Tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều bắt buộc phải chủ động xử lý nước thải (sản xuất và sinh hoạt) cục bộ tại cơ sở đạt cột B quy chuẩn về nước thải công nghiệp, trước khi thải ra hệ thống thu gom của KCN để đưa về Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam.

Tại KCN Gián Khẩu, nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng đang được xây dựng với công nghệ hiện đại, công suất 4.000m3/ngày, đêm đang tiến hành cấy ghép vi sinh. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Riêng KCN Tam Điệp giai đoạn 1, các dự án không có nước thải sản xuất và chỉ có nước thải sinh hoạt, nên các doanh nghiệp tự xử lý cục bộ đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, trước khi xả thải ra môi trường.

Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải nguy hại trong các KCN do các doanh nghiệp tự chịu tránh nhiệm. Sau khi thu gom, phân loại, các loại chất thải rắn có thể tái sử dụng ngay trong nội bộ cơ sở, bán phế liệu cho đơn vị thu mua. Chất thải không tái chế được, chuyển đến kho và thuê các đơn vị đưa đi xử lý (riêng chất thải nguy hại phải ký hợp đồng với đơn vị chuyên xử lý). Một số doanh nghiệp trong KCN Khánh Phú đã ký hợp đồng với HTX dịch vụ điện-nước Khánh Phú thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

Để môi trường các KCN được đảm bảo, tạo động lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang tích cực cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn lắp đặt máy quan trắc khí tự động kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, Ban cũng tích cực vận động các doanh nghiệp trong KCN xây dựng theo mô hình KCN sinh thái. Sở cũng tăng cường giám sát về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp thông qua thiết bị test nhanh.

Nguyễn Thơm baoninhbinh

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Bài viết khác
Tin mới nhất
Liên kết Website
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Thống kê truy cập
278093

Trực tuyến : 7

Hôm nay : 201