Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình
Thứ bảy ngày 20/04/2024,

Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình: 15 năm xây dựng và phát triển

Thứ năm, 14/03/2019
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 35/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh. Sau 15 năm hình thành và phát triển, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Một góc Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn). Ảnh: C.T.V

 

Từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn được Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo sát sao. Khi mới thành lập Ban có 7 cán bộ, công chức, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trong các KCN. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay bộ máy tổ chức của Ban đã phát triển với 6 phòng chuyên môn (gồm 31 CBCC-VC và người lao động) và 1 Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp (với 34 lao động), thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN của tỉnh. 

Với nhiệm vụ được phân công, mỗi thành viên Ban Quản lý luôn nêu cao vai trò và trách nhiệm của mình, tích cực, chủ động triển khai công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các KCN, góp phần đưa các KCN tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

Theo Quy hoạch tổng thể các KCN tỉnh Ninh Bình, từ một KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 1998), đến nay tỉnh ta có 7 KCN với tổng diện tích 1.472 ha, chiếm 1,061% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, đó là: KCN Khánh Phú (351 ha), KCN Phúc Sơn (142 ha), KCN Tam Điệp I (64 ha), KCN Tam Điệp II (386 ha), KCN Gián Khẩu (162 ha), KCN Khánh Cư (67 ha), KCN Kim Sơn (200 ha). 

Trong đó, có 5 KCN đã xây dựng và đi vào hoạt động. Công tác quản lý đầu tư thường xuyên được Ban kiểm tra, rà soát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm; hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục nhanh gọn; từng bước triển khai nhiệm vụ quản lý đầu tư, xây dựng trong khu công nghiệp theo đúng quy định.

Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng KCN được triển khai mạnh mẽ theo hướng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và từ nguồn vốn xã hội hóa. Tỉnh có 2 KCN Phúc Sơn và Khánh Cư đã huy động được nguồn vốn của doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng KCN (chủ đầu tư KCN Phúc Sơn là Công ty cổ phần - Tổng Công ty đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc; chủ đầu tư  KCN Khánh Cư là Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng Sông Đáy). 

Hiện tại 2 chủ đầu tư KCN này đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN. Sau 1 năm hoạt động, 2 KCN đã cơ bản được lấp đầy; KCN Phúc Sơn đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung; KCN Khánh Cư đang trong giai đoạn triển khai xây dựng.

Với quan điểm “Không thu hút đầu tư bằng mọi giá”, Ban Quản lý các KCN luôn xác định rõ mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. 

Vì vậy, các dự án đầu tư vào KCN tỉnh Ninh Bình phần lớn là các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Đến nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN là 109 dự án với tổng vốn đăng ký 55.757 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN gần như đạt 100% diện tích đất trong KCN, cụ thể: KCN Gián Khẩu, KCN Khánh Phú, KCN Tam Điệp I và KCN Khánh Cư đã lấp đầy 100%, KCN Phúc Sơn tỷ lệ lấp đầy là 75,59%.

Cùng với công tác thu hút đầu tư, trong 15 năm hoạt động, Ban quản lý các KCN tỉnh luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cả bề rộng lẫn chiều sâu để phát triển sản xuất. Thời kỳ 10 năm gần đây (năm 2009-2018) các doanh nghiệp KCN đã phát triển tăng tốc, cụ thể. 

Nếu năm 2009, doanh thu của các doanh nghiệp KCN đạt 2.725 tỷ đồng, thì đến năm 2018, doanh thu đạt 43.000 tỷ đồng; năm 2009, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt 21,3 triệu USD, thì đến năm 2018, giá trị xuất khẩu đạt 1.200 triệu USD; năm 2009, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp KCN đạt 521,7 tỷ đồng, thì đến năm 2018, nộp ngân sách nhà nước đạt 7.200 tỷ đồng.

Công tác quản lý môi trường trong các KCN được quan tâm và ngày một hoàn thiện. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Đề án bảo vệ môi trường của các KCN đã được lập và phê duyệt theo đúng quy định. Các dự án đầu tư vào KCN cũng thực hiện việc lập ĐTM, xây dựng công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo cam kết trước khi dự án đi vào hoạt động. Một số sự cố về môi trường của một vài dự án khi mới đi vào sản xuất đã được khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. 

Đến nay, Ban quản lý các KCN tỉnh đã thẩm định và phê duyệt ĐTM cho 54 dự án; xác nhận kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành cho 4 dự án; thẩm định, phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho 4 dự án. Ngoài ra, trong 5 năm gần đây, Ban đã tham gia 54 đoàn thanh tra do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) tổ chức; 60 đoàn kiểm tra do Sở Tài nguyên- Môi trường tổ chức.

Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động đã đi vào nề nếp, Ban quản lý các KCN thường xuyên phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho chủ sử dụng lao động và người lao động về kiến thức pháp luật, các quy định của nhà nước liên quan đến công tác quản lý lao động, tiền lương, an toàn lao động; thường xuyên bám sát, nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời những mâu thuẫn trong các doanh nghiệp trên nguyên tắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích của người lao động, qua đó được các doanh nghiệp và công nhân lao động luôn tin tưởng, ủng hộ. 

Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN là 39.360 người, trong đó người lao động người nước ngoài là 268 lao động. Ban Quản lý đã thành lập mới được 37 tổ chức công đoàn cơ sở và kết nạp được gần 30.000 đoàn viên; hàng năm đã tổ chức phát động các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao sâu rộng trong các doanh nghiệp, tạo nên khí thế vui tươi, phấn khởi cho toàn thể công nhân trong các KCN.

Trong thời gian tới, Ban quản lý các KCN tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn, quyết tâm thực hiện mục tiêu, phương hướng, giải pháp đã đề ra, xây dựng và vận hành tốt các KCN nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Ninh Bình. 

Ban Quản lý sẽ chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Sớm hoàn chỉnh hạ tầng các KCN đã xây dựng, đặc biệt là các KCN đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Triển khai thực hiện mô hình hợp tác công tư (PPP) để đầu tư hoàn thiện KCN Khánh Phú và các KCN khác khi có đủ điều kiện. 

Tích cực kêu gọi, xúc tiến đầu tư; ưu tiên lựa chọn, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư (thời gian cấp phép đầu tư; quản lý sau cấp giấy phép đầu tư; quan tâm chất lượng đầu tư hạ tầng; kinh nghiệm xúc tiến đầu tư…).  

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các KCN nhằm tạo nên môi trường đầu tư hiệu quả, an toàn, thuận lợi cho các nhà đầu tư.; sớm xây dựng và phát triển các KCN theo hướng KCN sạch, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng các KCN.

Nhìn chung các KCN của tỉnh thành lập khá muộn so với các KCN trong cả nước, trong điều kiện xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước là chủ yếu, song với quyết tâm lớn của Đảng bộ, HĐND và UBND tỉnh cùng sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của tập thể  CBCC –VC  và người lao động, Ban quản lý đã tích cực chủ động, triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn. 

Đến nay, các KCN của tỉnh Ninh Bình đã và đang được đầu tư xây dựng và phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh. Những thành tựu trong chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển các KCN tỉnh Ninh Bình gắn liền với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể CBCC-VC và người lao động Ban Quản lý. 

Ghi nhận những đóng góp đó, nhiều năm qua Ban đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý, đó là Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Ninh Bình trao tặng cho các tập thể và các cá nhân. Đây là niềm tự hào và có tác dụng cổ vũ, động viên đối với mỗi CBCC-VC và người lao động để Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục cố gắng nỗ lực hơn nữa trong chặng đường phía trước.                

Hoàng Đức Long
(Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình)

 

Nhận xét của bạn đọc

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin

Bài viết khác
Tin mới nhất
Liên kết Website
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Thống kê truy cập
279686

Trực tuyến : 9

Hôm nay : 762